Cụm đình Tam Canh

thị trấn Hương Canh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc

(0 đánh giá) Tài nguyên Du lịch Nhân văn

Cụm đình nằm cách thành phố Vĩnh Yên khoảng 7km. Cụm di tích được mệnh danh là cảnh đẹp Vĩnh Yên nằm dọc theo quốc lộ 2A. Nơi đây cách Hà Nội tầm 50km. Cụm đình bao gồm 3 đình là: Hương Canh, Ngọc Canh và Tiên Hường. Đây cũng chính là tên của 3 làng thuộc thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Cụm di tích có niên đại cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Tổng thể mặt bằng kiến trúc của ba ngôi đình bố cục kiểu chữ “Vương”. Kiến trúc của cụm di tích này hoành tráng bằng gỗ đồ sộ. Bên cạnh đó cụm đình còn nổi tiếng về những trạm khắc trang trí nội thất cầu kì, tinh xảo.

Đình Hương Canh

Cùng với đình Ngọc Canh, Tiên Canh, chùa Kính Phúc (đều đã được xếp hạng Quốc gia) và các điếm, miếu cổ trong một khu vực không rộng của làng gốm cổ Hương Canh - đình Hương Canh tạo thành cụm di tích dầy đặc về mật độ, độc đáo về mỹ thuật kiến trúc gỗ cổ dân gian, rất quý hiếm của tỉnh Vĩnh Phúc, của xứ Đoài và vùng đồng bằng - trung du Bắc bộ.

Nằm ở vị trí giữa làng, gần 300 năm nay đình Hương Canh vẫn đứng đó như thách thức với nắng mưa, như khoe với thiên nhiên cỏ cây về bộ mái đồ sộ xinh duyên của mình. Lợp bằng ngói mũi hài, mái đình được các hiệp thợ ngoã Hương Canh xếp đặt theo kiểu “đóng óc vẩy rồng” rất chặt chẽ, phẳng đẹp. Bờ nóc được đắp thẳng ke, hai đầu cong lên, các đầu đao cũng vút lên tương tự, toàn bộ mái đình trông như một cánh diều khổng lồ. Nhờ vậy mà đình Hương Canh trông toàn cảnh rất đồ sộ nhưng không nặng nề, to cao mà duyên dáng, không kém phần mềm mại, uyển chuyển.

Xưa kia, đình Hương Canh có 3 toà kiến trúc bố cục theo kiểu chữ “vương”, năm 1964 trong khi tu sửa đã dỡ đi toà cuối cùng, nay còn toà tiền tế và đại đình. Tiền tế đình Hương Canh gồm 3 gian, mái được làm kiểu 2 tầng 8 mái, toà đại đình 5 gian 2 dĩ, dài 26m, rộng 13,50m, 4 mái. Để chống đỡ bộ mái nặng hàng chục tấn ấy, các nhà thiết kế thời bấy giờ đã tạo ra cho đình một bộ khung rất chắc chắn. Riêng toà đại đình với 6 hàng chân - 48 cột gỗ tốt, đại khoa, cột cái có chu vi 2,40m, cao 6m; cột con chu vi 1,80m, cao 4m.

Đình Ngọc Canh

Đình Ngọc Canh được làm theo hướng Tây Nam trên khu đất bằng phẳng rộng rãi ở ngay đầu làng và chỉ cách đình các đình Hương Canh 200 mét ở phía trước.

Đình được kiến trúc kiểu chữ Vương (王) bao gồm ba toàn Tiền tế – Trung tế – Hậu cung được nối liền với nhau bằng một ống muống dọc thành một khối đồ sộ và vững chãi, tất cả có 15 gian 4 chái, với diện tích mặt sàn hơn 600m2.

Tiền tế gồm 5 gian hai chái, dài 20m25 rộng 7m10 trên câu đầu khắc ghi niên đại xây dựng Kỷ Sửu 1769

Trung tế gồm 5 gian hai trái, hai dĩ dài 24m rộng 13m37 có khắc ghi niên đại đặt thượng lương năm Gia Long thứ 12 (1813) và hoàn thành sơn son thếp vàng năm Minh Mạng thứ nhất (1820)

Quan sát từ tổng thể đến chi tiết, ngoài vào trong có thể thấy đình Ngọc Canh là một công trình hoàn chỉnh vừa đồ sộ lại vừa thanh thoát. Nổi bật là bộ khung đình chắn chắn bằng gỗ lim với các hàng 6 chân cột ở mỗi gian. Cột cái ở đại đình có đường kính lên tới 2m40 vào cao gần 6m .Toàn bộ khung đình tất cả 96 cột gỗ được kết hợp với nhau chặt chẽ với mộng xà để đỡ cả bộ mái đình khổng lồ cùng các các bờ nóc, đầu đao được đắp trổ tỉ mỉ công phu.

Đình Tiên Hương

Trên bộ khung kiến trúc gỗ đồ sộ, vững chãi ấy, người xưa đã tính toán rồi làm đẹp thêm cho đình bằng việc chạm khắc, trang trí với kỹ thuật điêu luyện, nội dung tinh tế, tả cảnh sinh hoạt của con người, các con vật vũ trụ, tứ linh, kìm nghê và hoa lá cách điệu, như ở cửa võng hậu cung, các bức cốn nách, đầu bẩy.

Điểm khác trong trang trí đình Tiên Canh với đình Hương Canh và Ngọc Canh là đề tài về con người ít (chỉ có 3 bức cốn nách tả cảnh: Luyện voi, bơi chải, người múa), chủ yếu là “tứ linh” (long - ly - quy - phượng), trong đó hình rồng xuất hiện hầu hết trong trang trí ở đây. Rồng được thể hiện ở những tư thế khác nhau: Rồng hút nước, rồng uốn, rồng cuốn cột, cá hoá rồng. Chẳng hạn ở cốn nách gian dĩ đại đình chạm hình rồng cách điệu, mình ẩn, đầu to, tai vểnh, răng nhe. Cốn nách ở tiền tế chạm “tứ linh” với rồng đang hút nước, lân bờm tóc dữ tợn, rùa đang bò miệng ngậm quyển sách, phượng bay cánh xoè rộng lả lướt.

Bức “long cuốn thuỷ” tả cảnh một rồng mẹ đang hút cột nước, cạnh có rồng con đang ôm quả cầu. Đặc biệt trên hệ thống cửa võng - hậu cung trang trí toàn hình rồng (cửa võng hậu cung đình Tiên Canh rất độc đáo, là cửa kép, gồm 2 lần cửa). Các cạnh của 3 ô cửa ngoài chạm 7 lớp hình cá hoá rồng, các cạnh của 3 ô cửa trong chạm 8 lớp, mỗi lớp là một hình rồng dài suốt theo chiều cao của cửa (1,50m). Còn ở cột cửa (ô giữa) chạm một đôi rồng to đang cuốn chặt vào cột. Tính tổng thể ở 6 ô cửa võng có hơn 100 con rồng nằm cùng tư thế song song nhau với cả rừng vây máu trông rất uy nghi. Cùng kỹ thuật đục chạm tỉ mỉ chau chuốt, các hình rồng đều được thếp vàng lóng lánh rực rỡ.

Cụm đình Tam Canh là di tích lịch sử nổi tiếng của tỉnh Vĩnh Phúc. Nếu bạn là người yêu thích, muốn tìm hiểu về lịch sử dân tộc thì đây là điểm đến tuyệt vời dành cho bạn đấy!

Đang mở cửa • Mở cửa 24h

Chứng nhận: Di sản văn hóa cấp Quốc gia

Nhóm tài nguyên: Di Tích, Lịch Sử, Văn Hoá

Vị trí tuyệt vời

Điểm đến lân cận

Đình Ngọc Canh

0 (0)

0km Điểm thăm quan

Làng gốm Hương Canh

5 (2)

39km Điểm thăm quan

Nhận xét

Chưa có đánh giá nào.
Hãy là người đầu tiên chia sẻ cảm nhận!

Viết đánh giá